''

Ngày 25 tháng 01 năm 2025

ĐĂNG NHẬP TÀI KHOẢN

Quên mật khẩu ?Đăng kí tài khoản

 » Tin tức

Tin tức

Cập nhật lúc : 20:40 20/04/2015  

Phản đối bỏ chấm điểm, nhưng đã bao giờ bạn hỏi, cho điểm để làm gì?

Thông tư 30/2014- BGD về đổi mới giáo dục bậc tiểu học (thay chấm điểm bằng nhận xét, tăng cường gắn kết nhà trường và phụ huynh...) đã được thực hiện nhưng còn không ít tranh cãi và băn khoăn trong đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý và nhân dân. Nên bàn cách làm thế nào hiệu quả nhất, tạo tâm lý an toàn và thúc đẩy hơn là so sánh. Chúng ta tin vào kết quả tổng kết, tin vào con điểm hàng ngày hay tin vào sự tiến bộ của con cháu mình?. Đó là quan điểm của thầy Nguyễn Văn Lự, giáo viên trường THPT Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc, một góc nhìn thấu đáo với chủ trương mới sau khi có ý kiến củaTS Ngô Gia Võ.

Chủ trương đúng và chưa muộn

Quan điểm bỏ chấm điểm Tiểu học là chủ trương và hành động đúng và chưa muộn của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Nhiều môn Âm nhạc, Mỹ thuật, Thể dục đã thực hiện không cho điểm chục năm nay. Đã bao giờ ta tự hỏi cho điểm học sinh tiểu học để làm gì?

Đọc thông, viết thạo có thể là hai mục tiêu quan trọng nhất của giáo dục Tiểu học. Những kỹ năng tư duy ban đầu theo hướng suy luận đưa vào Chương trình cũng chỉ nhằm rèn cách học sinh nhí hình thành các kỹ năng tư duy. Các kỹ năng tính toán theo công thức nào đó không được sử dụng. Đó là lý do vì sao mẹ dạy Toán cấp 3 không giải được toán Tiểu học, bố dạy Văn THPT không giúp nhiều được con học văn Tiểu học. Phần nhiều người đang ngộ nhận tai hại rằng không cho điểm “học sinh Tiểu học sẽ không có động lực”, “sẽ không biết năng lực thật”  không biết học lớp chọn nào và “làm khó cho nhà giáo”...

Lòng tin gửi vào đâu?

Chúng ta – các thầy cô, các bậc phụ huynh Tiểu học nói riệng- sẽ tin vào kết quả tổng kết, tin vào con điểm hàng ngày hay tin vào sự tiến bộ của con cháu mình? Những bài chính tả, tập đọc hay bài toán đơn giản hầu như cả lớp làm được. Chênh điểm chỉ là do cách trình bày và một chút cảm tình của thầy cô. Đã không ít thầy cô cho điểm 10 với dấu trừ kèm theo để rồi người lớn an ủi “con cố gắng lần sau”. Ai cũng tin, kể cả thầy cô và cha mẹ, con em mình không thể đạt được như thế. Ai bắt chúng ta hùa nhau tin vào con điểm ảo, kết quả ảo, năng lực ảo của các em? Ai muốn chúng ta tin vào những danh hiệu Học sinh tiên tiến, Học sinh giỏi chiếm khoảng 2/3 sĩ số? 

(GDVN) - Việc thay đổi hoàn toàn cách đánh giá đã khiến cho học sinh có giảm áp lực về việc học nhưng lại mất dần động cơ phấn đấu, đua tranh với nhau.

Điểm không thật nhưng những danh hiệu và thành tích là thật! Cha mẹ vin vào điểm để khen hoặc chê, thậm chí còn ra roi với con mình. Xuýt xoa, tâng bốc hay lặng buồn, đến đâu cũng điệp khúc “con nhà mình dốt, kém, mải chơi…” Điểm không thật nhưng trong Báo cáo nào cũng khẳng định sự phát triển, sự bền vững về chất lượng giáo dục, sự nỗ lực của thầy trò và các cấp, các ngành địa phương…Một số em có tư chất thông minh, năng động, lúc nào cũng vượt trội, nhanh nhẹn, hoạt bát và được xếp vào tốp đầu với nhận xét tốt, vẫn được khen thưởng.

Con cái tiến bộ chăm ngoan và học được ai không mừng! Nhiều người nghĩ không có điểm biết dựa vào đâu để biết sự cố gắng của con cháu, để giúp các cháu sửa sai và tiến bộ? Có lẽ cái từ Khá, Giỏi đã thành máu thịt trong không ít bậc phụ huynh trẻ. Thế hệ U50, U60 chúng tôi không coi trọng điểm số đơn giản vì không chạy theo thành tích. Chúng tôi học tiếng Việt và làm toán, không phải tham dự nhiều cuộc thi các cấp, không phải học thêm và lo bài tập.

Bây giờ điểm cao ngất ngưởng, giấy khen phát nhiều nhưng chất lượng rất đáng lo. Không ít học trò đọc và viết chưa thạo, chưa chuẩn tiếng mẹ đẻ. Khá nhiều em không hiểu các thuật toán sơ đẳng. Thế nhưng các cháu vẫn lên lớp, vẫn vào được THPT và vẫn đỗ tú tài?! Các bạn tin vào kết quả xếp loại điểm hay tin vào gương mặt hồn nhiên tươi vui của các em? Các bạn mừng khi con khoe điểm 10 hay khi nhìn ngắm chúng say sưa nhoẻn miệng cười khi ngủ? Các bạn muốn con cùng chơi vui hay giục mau lên kịp giờ học thêm? Và các bạn vội vã nhìn giờ đón con hay thảnh thơi trò chuyện với chúng trước giờ ngủ tối?  Niềm tin đăt đúng chỗ chắc chắn sẽ mang lại hạnh phúc cho quý vị, đem lại lòng tin cho quý vị về một chủ trương đúng: không cho điểm học sinh Tiểu học, không tổ chức nhiều kỳ thi Tiểu học!

Chúng ta kỳ vọng Chương trình giáo dục Tiểu học sau này sẽ bớt hàn lâm và nhẹ hơn,  phù hợp Việt Nam hơn. Các em học sinh sẽ trút đi nỗi lo bài vở để khi đến trường, lúc về nhà mỗi ngày đều vui.

Nên làm thế nào?

Có thể rất ít thông tin về chấm điểm bậc Tiểu học đến với các quý vị. Sự khác biệt giữa chấm và không chấm điểm không lớn như nhiều người nghĩ. Năm tháng tuổi thơ hồn nhiên trong sáng với trò chơi đồng dao cần trả lại cho các em. Mơ ước của nhiều cha mẹ con khỏe mạnh, biết viết, biết đọc và biết làm tính đơn giản. Mấy ai muốn con mình ngay từ nhỏ đã thành tài, thành Trạng nguyên, Bảng nhãn?

Đồng thuận và phối hợp với nhà trường và thầy cô, các bậc phụ huynh sẽ quan tâm những bình thường và bất thường của con em mình để có lời nói và hành động hữu ích.  Thay vì câu hỏi muôn thuở: “hôm nay con được mấy điểm”, bằng “buổi học có vui không? Có được cô khen không”…Cho con học thêm để làm gì cho khổ con trẻ. Nếu vì lý do khác, các bậc phụ huynh cũng không nên yêu cầu cô giáo chấm điểm, không nên dựa vào điểm để đánh giá con học thế này thế kia.

 

Người làm giáo dục Tiểu học đa năng rất vất vả hoàn thành nhiệm vụ. Không ai làm hết  được việc và cũng mấy ai ghi hết được lời nhận xét về mình. Các thầy cô lo lắng và mệt mỏi là điều tất nhiên. Bất cứ việc nào có thêm say mê cũng thêm thú vị. Lời phê nhận xét rồi sẽ hay, sẽ chuẩn, sẽ quen theo thời gian. Chúng ta, nhất là các cán bộ quản lý, cũng không nên bắt bẻ các cô giáo phê nhận xét na ná hay giống nhau. Khi ta chấp nhận nhiều con điểm như nhau há gì không chấp nhận lời phê giống nhau? Mặt khác, trường từ vựng tiếng Việt về đánh giá xếp loại cũng chỉ ngần ấy từ. Ghi ngắn gọn và đủ ý là tuyệt vời và hữu ích nhất.

Thầy cô dạy tiểu học phần nhiều rất yêu nghề, yêu trẻ. Thời gian, quy trình ghi nhận xét hay chấm điểm gần bằng nhau. Việc thêm nặng nề, có lẽ, do yêu cầu của cán bộ quản lý và mong muốn của các bậc phụ huynh. Không gì vô nghĩa bằng lớp 25 em phải có 25 nhận xét khác nhau. Bao giờ cán bộ và giáo viên bỏ được thói quen làm việc hình thức, đếm đầu việc, đếm sổ sách để coi trọng hiệu quả công việc?

Xu hướng phát triển của nước ta đang tạo điều kiện phát triển cho 7 loại trí thông minh năng khiếu (về ngôn ngữ, logic toán học, về không gian, âm nhạc, vận động thân thể, về tương tác, về tự nhận thức bản thân). Có nên để con cháu mình tự do phát triển năng khiếu vượt trội hay buộc các cháu vùi đầu vào bài vở để đạt hàng trăm điểm giỏi mà sau này chẳng để làm gì?

 

Số lượt xem : 304

Chưa có bình luận nào cho bài viết này

Các tin khác